Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018

Sinh ra từ trứng (kỳ 8)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Di chúc của ông họa sĩ

Trong căn phòng tầng áp mái, phiên tòa đã diễn ra hoàn toàn im lặng. Mỗi bức tranh là một vành móng ngựa đồng thời là một quan tòa. Bị cáo vắng mặt, bởi vì ông họa sĩ đã tự sát khi tôi báo tin cho ông biết tất cả các nhân vật của ông đều là anh em tôi và được sinh ra từ trứng và tôi muốn giết ông. Ông nói, “Đã đến lúc tôi nên chết. Hãy giết tôi".  Nhưng tôi đã không giết ông, tôi muốn để ông tự chết với các nhân vật của mình. Rồi tôi từ giã ông cùng ý định sẽ không bao giờ gặp ông nữa, cũng như một quyết định cho chính tôi, chấm dứt mọi sự viết lách hoặc đóng phim vớ vẩn. Điều này cũng có nghĩa tôi sẽ từ bỏ tất cả các cô gái đã từng mang lại những cảm xúc cho tôi. Tôi muốn trở về với mẹ.

Khi chưa kịp đi, tôi nhận được cùng lúc hai hung tin.

Ông họa sĩ tự sát. Người ta phát hiện ông treo cổ trên một cây xà ngang, ngoài sợi dây quấn quanh cổ, ông cũng tự quàng cho mình một cái khung tranh, đúng như di chúc của ông để lại: “Chẳng có gì để nói ngoài việc tôi tự sát như cách để tự quyết định đời mình. Một tác phẩm cuối cùng". Và như thế, tác phẩm cuối cùng ấy đã được ông tự tay treo lên, trong căn phòng tầng áp mái.

Cô gái đã bị bắt. Có thể cô ấy sẽ bị tù rất lâu.

Trong tù

Nhà tù không to lắm, nhưng có nhiều lớp tường bao bọc xung quanh. Giữa những lớp tường gạch là những bức tường cách âm vô hình, không một âm thanh nào có thể vọng ra ngoài. Giữa những lớp tường cách âm là màng lưới kẽm gai dày đặc không ai có thể bước qua. Giữa những màng lưới kẽm gai là những máy thu hình và quét sóng, không vật gì xuất hiện mà không bị nhận diện.

Cô ở trong một căn phòng vừa vặn như một chiếc quan tài. Mỗi ngày cô chỉ được ra ngoài mười phút vừa để đổ bô chất thải vừa tắm rửa.

Cô không nhìn thấy ai ngoài cái bóng tưởng tượng của chính cô. Nếu cô không tự trò chuyện với mình, sẽ không có tiếng nói của con người. Nhưng nếu cô nói chuyện, cô sẽ tự rơi vào tình trạng bế tắc, khốn quẫn.

Ngày này qua ngày khác, cô vẫn lưỡng lự khi muốn mở miệng. Rồi đến một ngày, tự dưng cô hét lên. Một tiếng… hai tiếng… ba tiếng… Cô cảm thấy dễ chịu. Từ đó cô còn khám phá ra tiếng tru của mình có thể giải quyết được những vấn nạn về ngôn ngữ cũng như cảm xúc. Nó giải phóng cô khỏi sự trầm uất. Đôi khi cô cảm thấy vui khi nhái giọng các con thú. Cô thích nhất tiếng tru của con chó sói. Và trong sự thanh vắng gần như tuyệt đối của cả ngày lẫn đêm, tiếng tru của cô trở thành một thứ bản năng hoang dã đầy tràn khí lực của thiên nhiên. Đến lúc ấy, cô đã quên mình đang ở trong tù.

Chị tôi

Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975 cũng là lúc chị Cả rời bỏ Lực lượng Thanh Niên Xung Phong. Không khó khăn lắm, chị vận động để được điều về làm cán bộ quản lý thị trường và chị vào Nam. Được giải phóng, dân Nam ngu ngơ như đám gà con mất mẹ, cán bộ bảo sao làm vậy, không ai dám thắc mắc. Người miền Nam quen với việc buôn bán tự do, chế độ mới với luật lệ mới, thắt họng người dân, làm ăn kiểu gì cũng vi phạm pháp luật. Vì thế, chị Cả tôi như rồng gặp mây vùng vẫy uy quyền, hốt liền, hốt hết trên tay người khác mọi ưu vật của đời. Tôi đã tưởng tượng, nếu được phép, chị đủ giàu để mua hết một thành phố. Nhưng chị tôi được nhà nước cấp nhà, do chị chọn, chị bảo cũng dễ thôi mà, một căn nhà tuy không to nhưng đất rất rộng. Chị bảo, tao đánh lừa con mắt nhân dân. Ngày ấy, nhà cửa của những người di tản và bọn quan quân chế độ cũ do ta tịch thu, trưng dụng, mượn tạm là vô số kể. Cán bộ nào cũng được cấp nhà. Mấy đứa đồng bóng, chị tôi hào sảng nuôi tuốt. Chị bảo, đừng tưởng xã hội chủ nghĩa là vô sản chuyên chính nhé. Chỉ là thay ngôi đổi chủ thôi. Cứ xem chị mày đây, từ cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch quốc doanh đến cán bộ quản lý thị trường, cái gì ngon nhất, quí hiếm nhất, chị đều có. Mà thừa thãi nhé. Tao nuôi một nửa nước cũng chưa hết của. Hồi ấy chưa có khái niệm đại gia, nhưng chị tôi quả là một đại gia thứ thiệt. Ở nhà tao, mày thích cái gì cứ lấy, chị bảo. Nhưng tôi không muốn lấy của chị thứ gì, bởi vì nói cho đúng sự thật, những gì chị cho là ngon nhất, quí hiếm nhất, với một người Sài Gòn như tôi, nó chỉ gợi lại những kỷ niệm, có chút ngậm ngùi, thế thôi.  

Ngoài tù

Tôi không chắc mình có thật sự ở ngoài tù hay không, cho dù tôi không bị giam giữ theo cách quản lý hành chánh. Người ta hay nói về nhà tù lớn và nhà tù nhỏ, cho rằng trong chế độ độc tài thì  ở đâu cũng chỉ là một cách tù. Nhưng tôi tin rằng, nhà tù không chỉ là một trại giam mà nó còn là một cảm thức, vì thế nó không hoàn toàn lệ thuộc vào việc anh ở đâu.

Cô ở tù năm năm. Chính xác là bốn năm mười một tháng. Ngày cô ra tù, không ai đón. Địa chỉ mà giấy ra tù cô ghi là của ông họa sĩ. Ông ấy đã chết. Căn hộ đã bị nhà nước tịch thu vì không người thừa kế.

Cô đủ thông minh để moi ra địa chỉ một hãng phim mà tôi từng cộng tác. Và cô tìm được tôi. Cô không trách tôi đã quên cô trong suốt thời gian cô ở tù. Bởi vì cô hiểu tôi đơn giản chỉ là một gã lông bông. Và một gã lông bông như tôi tất nhiên biết cách phải làm gì để giúp một người vô gia cư và vừa mới thoát tù như cô.

Tôi bảo cô đi tắm. Trong lúc đó tôi đi mua một tô phở và pha cho cô một ly cà phê nóng.

Tôi bảo cô: Nếu em không ngại, cứ ở đây cho đến khi tìm được việc làm.

Tôi không thể nuôi cô mãi. Dù sao, tôi cũng cần làm cho cô an tâm. Cô chỉ nhìn tôi gật đầu thay cho lời cám ơn. Trong tận cùng thâm tâm, tôi cảm thấy có lỗi với cô, với sự hy sinh của cô.

Việc tưởng như vụn vặt nhưng lại trở nên quá nhiêu khê cả với tôi và cô. Đăng ký tạm trú. Tôi không bao giờ cảm thấy ổn. Với cô, sự bấp bênh trong tính cách pháp lý quá mơ hồ và đầy chất cảm tính ở cơ quan công an. Nghĩa là cô có thể bị đuổi ra khỏi nhà tôi bất cứ lúc nào mà không phải do quyết định của tôi. Nói một cách khác, vấn đề tùy thuộc việc cô có “ngoan” hay không, để cô có thể được chấp nhận cho tạm trú tại địa chỉ của tôi.

Những khó khăn kiểu này không thể giải quyết bằng các chầu nhậu và gái gú hay chi tiền. Tôi đành để sự vụ ì ra theo kiểu bựa. Tôi không sợ cùi, cô ấy không sợ hủi. Cô cứ ở nhà tôi bất chấp có được cơ quan công an chấp thuận hay không. Phạt hành chánh tôi không đóng, tôi bảo tôi thất nghiệp không có tiền. Xem ra tính cách ma cà bông, trên răng dưới dái như tôi không phải hoàn toàn vô tích sự.

Em gái tôi

Em gái tôi không đẹp nhưng trông hay hay, lôi cuốn. Có lẽ nó thu hút người khác bởi một cá tính đặc biệt, yêu chuộng truyền thống nhưng lại không thích sự đồng nhất, mặc dù nó bao giờ cũng là cháu ngoan Bác Hồ. Nó nhất định trở thành một người con gái của xứ bốn ngàn năm văn hiến. Nhưng thú thật là tôi không chịu nổi cái vẻ điệu đàng của nó. Cách nói chuyện đãi bôi, làm duyên làm dáng, văn hoa nghe phát mệt. Tất nhiên nó rất thông minh và không giấu tham vọng trở thành một cái gì đó mà chính nó cũng không biết chắc chắn. Có lẽ vì thế cho đến khi lấy chồng, nó vẫn chưa làm gì ra hồn.

Lấy chồng Mỹ, cái vẻ lịch lãm khoa trương của nó càng đậm đà bản sắc bốn ngàn năm văn hiến. Tôi nghĩ, nếu phải sống chung một nhà với nó, chắc tôi phát điên.

Cũng may, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất của thời bao cấp, chưa bao giờ nó muốn vào Nam với anh. Nó coi tôi như kẻ xa lạ, mặc dù chúng tôi sinh đôi. Có vẻ như tôi và nó là con của hai người đàn ông khác nhau. Điều giống nhau duy nhất giữa tôi và nó là trong tận cùng thâm tâm, người mẹ chung của chúng tôi chỉ được coi như cái tử cung mà chúng tôi quá giang vào đời.

Tôi không hiểu điều gì khiến nó ghét mẹ. Nhưng tôi, tôi biết vì sao tôi oán hận mẹ, bà đã rũ bỏ tôi khi tôi mới ba tháng tuổi.

Chúng tôi muốn sống

Tôi đối diện với thực trạng trước mắt, làm thế nào tôi và cô có ít nhất hai bữa cơm một ngày. Đôi khi tôi cũng không hiểu bằng cách nào tôi vẫn sống mà không thật sự làm gì một cách chính thức. Đây là lúc tôi cần phải khai tử cái lý lịch ma cà bông của mình, không phải vì tôi giác ngộ cách mạng hay gì gì mà chỉ vì tôi không muốn thấy cô phải áy náy hay xấu hổ. Tôi gặp một gã đạo diễn thân thiết, bảo hãy ứng cho tôi một ít tiền và tôi sẽ viết kịch bản cho hắn.

Gã đạo diễn cười độ lượng: “OK. Tôi có thể ứng cho ông một ít tiền. Còn kịch bản thì có cũng được, không có cũng không sao".

Tôi bảo: “Ông hiểu tôi đấy. Nhưng hãy tin tôi. Tôi muốn có tiền sống một cách đàng hoàng. Ông cần kịch bản phim truyền hình nhiều tập hay phim điện ảnh?”

Hắn nói: “Cái nào cũng cần".

Tôi nói: “Ông cho tôi mượn trước hai mươi triệu".

Hắn bảo: “Được, ngày mai tôi đưa. Nghe tôi dặn này, ông biết thị hiếu quần chúng cũng như các nhà sản xuất thế nào rồi, đúng không? Tôi không làm nghệ thuật. Tôi cũng cần tiền sống như ông".

Quả thật, tôi không thể quỵt tiền của kẻ cũng cần sống như mình. Tôi và cô làm việc cùng nhau.

Mẹ tôi

Có một điều tôi không bao giờ biết, lý do mẹ đã bỏ tôi khi tôi mới ba tháng tuổi. Những người lính Pháp cuối cùng trước khi rút khỏi Việt Nam đã khuyên mẹ tôi và gia đình nên di cư vào Nam. Nhưng mẹ tôi không đi chỉ vì bà nghĩ rằng bà được sinh ra từ trứng. Bà cần ở lại với cái ổ ấp ủ của mình. Bà sợ sự xa lìa. Tuy nhiên với tôi, bà sẵn sàng cho đi vì tôi là con của Tây và tôi cần được tự do.

Sau này, khi về miền Bắc tìm mẹ, tôi đã hỏi: “Tại sao mẹ bỏ con?”

Mẹ tôi, đôi mắt ráo hoảnh, hỏi lại: “Không phải con đã được sống tự do như con muốn sao?”

Tôi sững sờ nhìn mẹ. Tôi không tin có một thứ tình yêu như thế, sẵn sàng vứt con mình vào sự bất trắc. Nhưng khi chứng kiến những bà mẹ đã trao con mình cho biển cả để tìm tự do nơi xứ lạ, tôi hiểu sự quyết liệt của mẹ. Lúc ấy, tôi chỉ nói: “Mẹ không sợ con bị bạc đãi à?”

Mẹ tôi cười: “Không có sự bạc đãi nào lớn hơn (cái sự) bị tước đoạt tự do".

Bất giác tôi ôm mẹ. Bà cũng ôm tôi bằng một tay và bàn tay còn lại xoa mặt tôi.

Mẹ tôi nói: “Con là con của mẹ".

Tôi nói: “Con yêu mẹ".

Từ đó, tôi gần mẹ và muốn hiểu mẹ hơn.

Kịch bản

NỘI – TRÊN GIƯỜNG – ĐÊM

MẸ

Con bóp chân cho mẹ.

Người con không nói gì, từ mép giường anh đưa hai chân lên chiếu và ngồi quay vào nhìn mẹ  đang nằm úp mặt xuống gối, tay anh bóp từ bàn chân lên đùi người mẹ. Lần lượt hết hai chân. Ba lần.

Người mẹ xoay người nằm ngửa. Anh tiếp tục bóp chân.

CON

Mẹ đỡ chưa?

MẸ

Mẹ nhức lắm.

CON

Để con lấy dầu xoa cho mẹ.

Người con đứng lên đi khuất.

Người mẹ thở dài.

Người con quay lại.

Anh lên giường và kéo hai ống quần người mẹ lên.

Anh xoa dầu từng chân và bóp tiếp.

CON

Mẹ thấy dễ chịu hơn không?

MẸ

Con định ở lại với mẹ lâu không?

CON

Con phải đi sớm.

MẸ

Sao thế? Bao nhiêu năm mới gặp con, sao con không ở lại với mẹ?

CON

Còn công việc nữa mẹ ạ.

MẸ

Hay con chê mẹ nghèo, nhà quê?

CON

Sao mẹ lại nói vậy? Nghèo hay nhà quê thì mẹ cũng là mẹ của con mà.

MẸ

Vẫn biết vậy, nhưng sao con không ở lại với mẹ?

CON

Con nói rồi. Con còn công việc mà mẹ.

Bất chợt anh nhận thấy tay mình đang ở trong tay mẹ và được đặt trên cái mu giữa hai đùi người mẹ.

Anh còn đang phân vân không hiểu mẹ muốn gì…

MẸ

Ở đây, ở đây mẹ đau nhức lắm.

CON

Hay là mẹ bị ung thư?

MẸ

Mẹ không biết.

Người mẹ cầm tay con xoa lên mu mình.

CON

Đau ở đây thì không chữa được đâu.

MẸ

Bốn ngàn năm rồi con ạ…

CON

Thêm bốn ngàn năm nữa cũng không chữa được.

Người con đứng dậy.

Phòng làm việc

Cô ấy bưng lên hai ly cà phê nóng. Và châm thuốc.

“Anh có yêu mẹ không?” Cô ấy hỏi.

Tôi nói: “Khi lần đầu ra Bắc tìm mẹ, anh rất háo hức mặc dù trong lòng vẫn tự dằn vặt về câu hỏi tại sao mẹ lại bỏ mình. Khi gặp mẹ, lời giải thích về tự do không làm anh bớt oán hận mẹ. Anh thấy nó không thật. Anh nghĩ, sự có mặt của anh sẽ làm cho bố mẹ mất hạnh phúc. Và đấy mới là lý do anh phải vào Nam với ông chú".

Cô gật đầu. Người mẹ ích kỷ.

“Nhưng cuối cùng có chuyện gì xảy ra giữa anh và mẹ không?”

Tôi im lặng. Và quẳng điếu thuốc đang hút dở ra sân.

Em gái tôi

Dù em tôi da vàng mũi tẹt, nhưng nó biết nó là con một người lính Lê Dương. Bố tôi cũng không thích nó vì nó có mùi khét của dòng giống châu Phi. Nhưng mẹ tôi yêu nó, vì bà nghĩ đến thân phận đàn bà. Nó không chia sẻ điều ấy với mẹ. Nó cho rằng nó là một đứa con lạc loài. Cái việc nó luôn tỏ ra yêu truyền thống và bản sắc dân tộc chẳng qua chỉ vì nó muốn chứng tỏ rằng nó là người Việt thuần chủng. Nó ghét mẹ vì một cách nhìn khác về thân phận đàn bà, sự cam chịu. Nó bảo, không dạng chân ra và chảy nước thì ai hiếp được mình.

Khi mười bảy tuổi, trong một cơn điên thù hận, nó cầm dao lam định cắt xẻo âm vật. Nhưng mẹ đã đánh nó và cứu vãn hạnh phúc cho nó sau này. Nó không bao giờ thôi ghét mẹ.

Kịch bản

NỘI – TRÊN GIƯỜNG –  ĐÊM

Người con trai quay trở lại ngồi bên mép giường với ly rượu.

Người mẹ cầm tay con đưa lên ngực mình.

MẸ

Ở đây cũng đau.

CON

Đau ở đây cũng không chữa được.

MẸ

Gần suốt một thế kỷ, ngay từ khi mẹ sinh ra.

CON

Cắt nó đi thì còn hy vọng.

MẸ

Không, mẹ không cắt. Mẹ thà chết.

Người mẹ kéo đầu con xuống.

Anh ta không chống cự.

Nước mắt người mẹ nhòe nhoẹt.

MẸ

Mẹ sẵn sàng chết. Hãy yêu mẹ.

Người con cởi cúc áo mẹ.

Anh ta hôn ngực mẹ và bú vú mẹ bù cho những ngày ấu thơ thiếu sữa.

Bất cứ  ở đâu, bất cứ khi nào

Chẳng phải Chúa nói có một thứ bánh hằng sống sao. Vì thế, tôi nghĩ con người có thể sống được chỉ bằng không khí. Như huyền thoại. Nó là một bầu vú đầy mật ngọt, tôi bú mút như cây cỏ bú mút bầu trời.

Tôi được sinh ra từ người đàn bà sinh ra từ trứng. Tôi vẫn khao khát được bú sữa mẹ như dưỡng chất của huyền thoại. Khi bé, tôi đã không có diễm phúc được làm điều ấy. Giờ đây, qua bao thăng trầm, tôi vẫn cần sữa mẹ để được tái tạo trong huyền thoại. Nếu không có huyền thoại, đời sống sẽ trở nên trơ trụi, nghèo nàn. Vì thế, tôi đã đi tìm mẹ cho dù trong lòng tôi oán giận. Và tôi không thể xa mẹ. Tôi biết tôi cần phải, một lần nữa, khám phá những quả trứng đã sinh ra dân tộc này. Không chỉ vì nó ở trong tôi mà nó còn ở ngoài tôi. Qua mẹ, tôi muốn đến gần với anh em của mình, vòng tay ôm lấy họ và cùng họ chia sẻ cái sinh mệnh u ám của trứng, nhưng tôi đã thất bại. Tôi vẫn là một kẻ lạ.

N.V.