Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Ghi chép từ Dran

Vũ Thành Sơn

Chúng tôi đến Dran vào một ngày mùa Xuân, khởi hành từ Phan Rang, vượt qua đèo Ngoạn Mục hùng vĩ và đỉnh Eo Gió.

Chiếc xe đi Dran - Đà Lạt mười sáu chỗ ngồi nhưng có lẽ vì còn trong Tết, nhu cầu đi lại tăng cao nên tài xế không bỏ lỡ cơ hội, khai thác tối đa, kê thêm những chiếc ghế nhựa làm ghế phụ, nhồi nhét hơn hai mươi con người cùng với hàng hóa, hành lý chất đầy sau lưng và dưới chân làm cho chuyến đi trong phút chốc trở thành một cuộc chen chúc, ngột ngạt. Suốt lộ trình, ni cô trẻ ngồi bên cạnh tôi một tay vắt ngang mặt như thể đang chìm sâu trong một giấc mộng dài bất tận. Hàng quán, trường học, công sở… vắng lặng. Leo gần đến đỉnh dốc Eo Gió tôi cố nhìn xuống thung lũng và hồ Đa Nhim nằm bên dưới nhưng không thể phóng tầm mắt qua khỏi những cái đầu lố nhố chen chúc bên nhau. Chỉ có thể bắt gặp ngoài xa một lát cắt trời xanh rất trong, ràn rụa nắng. Vào mùa này, hoa dã quỳ chỉ lác đác trên đường với vài cụm vàng phất phơ trước gió.

Chúng tôi là hành khách đầu tiên trong hơn hai mươi con người ấy bước xuống xe, ngay giữa chợ Lạc Nghiệp. Nhìn ngược xuôi hai đầu, thị trấn Dran nhỏ bé nhưng khá nhộn nhịp xe cộ, nhà cửa san sát như bát úp và nhiều bụi. Chợ Lạc Nghiệp của một thị trấn miền núi hàng hóa eo sèo, người mua kẻ bán rời rạc, chậm rãi. Một vòng quay ngựa gỗ cũ kỹ, bạc màu, ngơ ngác trước cửa chợ; có lẽ từ lâu không có đứa trẻ nào ngồi chơi. Nắng buổi sáng không gay gắt nhưng ở độ cao khoảng 1000 m so với mực nước biển, khí hậu của Dran không mát mẻ như chúng tôi tưởng. Đứng trên mảnh đất cao nguyên đầy gió và nắng vào một buổi sáng tinh khôi này, ngó lên dãy núi đồi đứng sững, im lìm đầy vẻ bí ẩn trước mặt, chẳng hiểu sao những câu thơ của Charles Simic bất ngờ vụt hiện:

Haven’t found anyone                       Không tìm thấy một kẻ nào
From the old gang.                            Trong băng đảng cũ
They must be still in hiding,               Chắc chúng đang còn ẩn nấp
Holding their breaths                         Nín thở
And trying not to laugh.                     Và gắng gượng không cười
(Hide and Seek)                                (Trốn Tìm)

Bài thơ của Charles Simic nói về bi kịch của một thành phố. Nếu mỗi thành phố đều mang một bi kịch như mang trong lòng mình một vết thương thầm kín, vậy thì có chăng bi kịch của Dran?

Theo thống kê của chính quyền tỉnh Lâm Đồng thực hiện năm 2005, Dran có 15.440 dân phân bố trên tổng diện tích 135,4 km2. Hơn mười năm qua, cùng với sự nhân bản vô tính ồ ạt của đời sống đô thị, chắc chắn số dân ở thị trấn miền núi này đã vượt qua con số thống kê khiêm tốn đó. Cùng với nó là tình trạng nở rộ của các loại cửa hàng, quán xá, nhà trọ; nhiều nhất là những quán cà phê, quán ăn dọc theo hai bên phố. Người ta có thể đếm trên đầu ngón tay một vài cơ sở dịch vụ công ở Dran: một cơ quan hành chính, một ngân hàng, một mái trường tiểu học…và ngoài một cái chùa ở khu Lạc Thiện và một nhà thờ nhỏ nằm ở mé đường đi Cầu Đất ra, có thể nói Dran gần như vắng bóng một sinh hoạt văn hóa tinh thần đúng nghĩa.

Cô gái quản lý nhà nghỉ nói với chúng tôi Dran không có gì lý thú để coi, không có hàng quán nào ăn được; người ở đây thường phải lên Đà Lạt. Sự dửng dưng của cô gái với chính thị trấn quê hương của mình không có gì khó hiểu bởi quả thật, những thắng cảnh đẹp đẽ như đèo Dran với thảm cỏ, rừng thông xanh mướt, Eo Gió, vườn hồng, vườn cà phê, thung lũng dã quỳ,… đều ở khá xa và du khách sẽ phải vượt cả chục cây số từ thị trấn để đến những địa điểm này. Cô gái còn trẻ, độ ngoài ba mươi, thuộc về một thế hệ may mắn không trải qua những biến động đau thương của lịch sử và trưởng thành trong cái vỏ bọc của sự an toàn. Họ không có quá khứ, hay đúng hơn, thế giới của họ đã bị đánh mất ý thức lịch sử trong ý nghĩa lịch sử đã không còn khả năng đem đến cho họ một thứ cảm-giác-thuộc-về và đời sống của họ, vì vậy, chẳng qua cũng chỉ là sự ngẫu sinh của những cơ hội. Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Dran cũng có nhiều người từ những địa phương khác đổ đến. Với họ, Dran chỉ giản dị là một vùng đất để mưu sinh và mọi cơ hội sẽ được họ khai thác tối đa để phục vụ cho giấc mơ lập nghiệp. Nhưng suy cho cùng, đâu chỉ có Dran, cả Việt Nam hiện thời trong con mắt của không ít người, chẳng phải cũng chỉ là một đất nước không lịch sử và đơn giản chỉ là một nơi để tìm kiếm cơ hội làm giàu đó sao?

Buổi chiều ở Dran đến nhanh. Nắng chưa tắt mà gió đã lồng lộng trong lòng phố và sinh hoạt bắt đầu chậm dần, ngay cả con đường chạy xuyên qua thị trấn cũng thưa bớt xe cộ. Hàng quán nằm ở dãy phố cạnh chợ lác đác người; vài chiếc xe ôm đợi khách ở ngã ba đi Phi Nôm, Cầu Đất như những con ruồi buồn buổi chợ tàn. Những chiếc cửa sổ hiếm hoi ở mấy căn nhà cổ đã khép lại và đám thanh niên ngồi đánh cờ lúc trưa trong một quán cà phê nhỏ đã giải tán từ lúc nào. Trời chuyển lạnh nhanh. Chúng tôi đi qua một hiệu hớt tóc, người thợ đang cắt tóc cho khách vội bỏ chạy ra ngoài, cây kéo vẫn còn trên tay, chăm chú nhìn thẳng vào mặt chúng tôi như được nhìn thấy người từ sao Hỏa vừa mới đặt chân đến. Sự tò mò sỗ sàng của anh thợ hớt tóc làm chúng tôi kinh ngạc. Sự có mặt của những người khách lạ chắc hẳn đã đem đến cho anh cũng như cái thị trấn buồn tẻ này một chút bàn tán thú vị nào đó.

Dran không nhiều quán nhậu để làm cho những buổi chiều trở nên nhộn nhịp như những thành phố, thị trấn khác. Cả thị trấn chỉ có ba quán, chuyên về lẩu (dê hoặc bò), mà khách khứa xem ra cũng lác đác. Ở cái quán lẩu dê trên đường đi Cầu Đất khi chúng tôi đến chỉ có chúng tôi là thực khách duy nhất, ngồi đến hơn bảy giờ tối mới thấy có thêm vài ba thanh niên và một nhóm nhỏ đàn ông đàn bà. Cái nhậu của họ ở đây cũng đặc biệt, không ồn ào, phô trương mà có lẽ ồn ào nhất lúc đó lại chính là cái phim truyện Hong Kong đang phát trên truyền hình của quán. Có một quán lẩu dê khác nằm sâu trong một con hẻm gần ngã ba Phi Nôm - Cầu Đất; nó không ra dáng một quán nhậu mà là quán ăn gia đình thì đúng hơn. Người ăn ở đó thuộc đủ lứa tuổi, đủ thành phần, ngồi quây quần quanh một nồi lẩu bằng đất đặt trên cái bếp than đỏ lửa. Dran buổi tối trời se lạnh, sì sụp một bát lẩu dê nóng còn bốc khói, uống một ly rượu thuốc, nghe những mẩu chuyện rời rạc chung quanh trong một không gian đủ hẹp để không làm cho người ta cảm thấy trống trải, hẳn cũng không còn gì thú vị bằng. Chắc chắn rồi, chính cái không khí đó, chứ hoàn toàn không phải những cảnh đẹp hùng vĩ hút hồn của thiên nhiên, mới làm nên sự lãng mạn quyến rũ không thể nhầm lẫn của Dran; một nỗi quạnh hiu thơ mộng mà chỉ những buổi chiều ở Dran người ta mới bắt gặp tất cả sự tiêu sơ hoang dại trọn vẹn của nó.

Tôi băng tới miền bi thảm cùng cực

(Nguyễn Đạt - Xe lên Đơn Dương)

“Miền bi thảm cùng cực” đó một thời đã là miền đất hứa từng đem đến cảm hứng bất tận cho không ít nghệ sĩ. Nhưng Dran cũng như hầu hết các thành phố, tỉnh lỵ đẹp đẽ khác trên quê hương chúng ta hiện thời đã và đang biến dạng từng ngày, bất giác tôi tự hỏi chẳng biết “băng đảng cũ” ấy trong cảnh tang thương dâu bể bây giờ trú ngụ ở đâu, trên những đỉnh cao tuyệt mù nào.

Tám giờ tối, Dran bất ngờ trở nên sôi động hẳn lên bởi một cái chợ đêm nhỏ được dựng sơ sài trên bãi đất trống chưa sạch cỏ rác gần cầu. Trong cái không khí u tịch của thị trấn ngả về đêm, đèn đuốc sáng choang và tiếng nhạc phát ra hết cỡ từ cái loa đặt trên một sân khấu tạm bợ như có một sức hút khó cưỡng lại. Người lớn, trẻ con ở thị trấn kéo đến đông đúc. Xe cộ bỏ hết cả ra ngoài đường, không khóa, không cần người trông (có lẽ đây cũng lại là một nét đặc biệt nữa của Dran).

Gọi là hội chợ cũng không có gì sai, một cái hội chợ của một thị trấn nghèo, với đầy đủ những trò chơi vẫn thường thấy: xổ số, ném phi tiêu, ném vòng, bàn hàng, ca nhạc… Trẻ con thì xô đẩy nhau quanh mấy chiếc xe hơi chạy điện. Người lớn đứng vòng trong vòng ngoài trước sân khấu xem một “cô” ca sĩ mặt đầy son phấn vừa hát vừa uốn éo hoặc vây quanh mấy cái bàn thấp bày bán một vài món đồ xanh xanh đỏ đỏ. Người bán, người mua nhiệt thành trả giá. Trên gương mặt họ lấp lánh một niềm vui chân thành, một niềm vui mà tôi cảm nhận ít nhiều bi đát.

Hội chợ sẽ diễn ra trong ba ngày cuối tuần do một nhóm chuyển giới non chục người tổ chức lưu diễn. Tôi có cảm tưởng mình đang được tham dự vào một lễ hội LGBT thì đúng hơn, tuy không có cờ cầu vồng lục sắc nhưng ở đây vẫn có đầy đủ sắc màu và niềm hoan lạc.

Đêm trở về nhà nghỉ, tôi vẫn còn nghe văng vẳng tiếng nhạc. Tôi chợt nhận ra hai ngày qua ở Dran, chưa một lần nào tôi nghe thấy tiếng thông reo. Hình như thông mỗi lúc mỗi lùi xa hơn vào ký ức.