Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (467): Ngô Thế Vinh (11)


VÒNG ĐAI XANH (KỲ 5)

CHƯƠNG MƯỜI HAI

Tôi trở về với ý nghĩa một chuyến đi vô ích. Ông chủ nhiệm cho biết thiên điều tra cao nguyên phải chấm dứt tức khắc. Tòa báo gặp nhiều khó khăn không những trên Thông tin mà cả ở cơ quan An ninh. Giấy gọi lên An ninh phải được hiểu là một cảnh cáo nghiêm trọng. “Phá vỡ tình đồng minh và cố tình gây khó khăn cho chánh phủ”. Lời buộc tội thật hàm hồ và sự trừng phạt rất bất định. Với vận mệnh mỏng manh của tờ báo, chúng tôi đang làm một cuộc leo dây đầy nguy hiểm. Đã nhiều lần tôi tự nhủ không thể nín lặng được nữa, nhưng liệu chúng tôi sẽ kêu gào được gì. Sự tồn tại của tờ báo, lẽ sống thiết thực của nhiều người tùy thuộc vào đường lối tôi sẽ chọn lựa. Dù với bản chất nào của hoàn cảnh, chúng tôi cần thiết phải tồn tại. Loạt bài mới khởi đăng đã bị bỏ dở và tôi nghĩ sẽ còn lâu mới cầm bút trở lại nếu chưa tạo được một không khí. Với tình trạng này không chắc gì tôi sống lâu dài trong nghề báo. Giờ phút này tôi không còn suy nghĩ được một điều gì. Dường như có tiếng động của một cánh cửa bật mở, cô thư ký bước vào cho hay có một ông giáo sư tới kiếm khi tôi vừa rời tòa soạn buổi chiều, ông có để lại một danh thiếp. Tôi ngạc nhiên về sự xuất hiện tên của ông Hoàng Thái Trung. “Anh cũng quen biết ông Trung sao?”, Cô thư ký trở ra, vẫn trên khuôn mặt sáng rỡ đó là một tia mắt ranh mãnh giữa khe cửa vừa khép kín. Ông Trung có đọc những số báo vừa rồi, ông chú ý rất nhiều tới vấn đề tôi nêu ra, nhất là khía cạnh chi phối bởi người Mỹ. Ông tiếp, không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn mới vào nghề báo, tôi đã nắm vững vấn đề cao nguyên đến như vậy và quan điểm của tôi đưa ra rất đứng đắn. Do đó ông Trung mong có dịp gặp lại tôi để cùng bàn về cái miền Đất Hứa ấy của Việt Nam mà theo ông, sau khi chiến tranh chấm dứt - chiến tranh nào mà chẳng phải chấm dứt, tương lai là ở miền đất hoang vu đó hơn là miền Hậu giang với những sông cùng rạch. Tôi đọc nhiều lần, cũng với những hàng chữ ấy và mỗi lần đều đem tới cho tôi ấnhững cảm xúc mới. Tôi mở ngăn kéo, gài tâm danh thiếp trên một mảnh bìa của tập tài liệu chưa đọc hết một phần ba. Trái với những ý nghĩ mệt nản, vẫn những ham muốn giục giã tôi phải viết tiếp trước khi những dữ kiện đó trở nên khô cứng và mất hết ý nghĩa.


Buổi tối có vụ tiễn đưa bác sĩ Ross về Mỹ, Davis ngỏ ý muốn mời tôi tới. Sau lần gặp mục sư Denman, vai trò của Ross đối với tôi vẫn là một ám ảnh chập chờn. Có nhiều dư luận rất khác nhau về ông, điều đó càng khiến thân thế của ông ta thêm mù mờ. Chỉ biết dưới bộ mặt trông rất bình thường ấy lại có dính líu tới nhiều âm mưu ghê gớm. Qua Davis, tôi cũng biết rất ít về Ross. Ông thuộc Phái bộ Viện trợ Michigan với chức vụ rõ rệt: giáo sư chánh trị kinh tế tại hai trường đại học Luật khoa Huế và Sài Gòn. Ông nói tiếng Việt sành sỏi, xử dụng danh từ rất chính xác. Ông giao hảo mật thiết với giới trí thức và nhất là các lãnh tụ sinh viên. Ở những năm đầu, ông là một cố vấn thân tín của tổng thống Diệm, nhưng sau vụ biến động, vai trò của ông bị nghi vấn, nhất là mối liên hệ mật thiết của ông với nhiều giới, trong đó không thiếu những người là đối thủ chánh trị của chế độ thời bấy giờ. Không phải chỉ ở phòng Hoạt vụ mà ngay nhiều giới cao cấp Việt Nam cảm thấy một khuấy động ngấm ngầm của nhân viên Phái bộ Michigan, nhất là mối liên hệ lộ liễu tới vụ nổi dậy của một số buôn Thượng. Tất cả lần lượt gặp khó dễ và bị tống hồi về Mỹ, riêng bác sĩ Ross bị cầm giữ tại công an một thời gian trước khi được thả ra. Ông chỉ vắng bóng cho tới lúc quân đội đảo chánh và trở lại Việt Nam ngay sau đó. Người ta lại thấy ông xuất hiện trong nhiều cuộc tụ tập của các thế lực phe nhóm mới. Nhiều người am hiểu coi ông như một Đại sứ lưu động của Hoa Thịnh Đốn với nhiều quyền hạn bao quát. Ông không những là bạn thân mà còn rất được sự kính trọng của tướng Thuyết. Bởi vậy ông Tướng đã không do dự thả hết đám sinh viên chôáng chánh phủ và bài Mỹ khi có lời xin của ông giáo sư Ross. Ông là người Mỹ duy nhất được ngay nhóm sinh viên khuynh tả này chấp nhận là đồng minh của họ. Ông cũng thu phục được rất nhiều cảm tình của Phật giáo bằng những liên minh giúp đỡ họ trong suốt thời kỳ tranh đấu. Davis vẫn gọi đùa bác sĩ Ross là Passe-Partout, ông có thể được coi là đồng minh cùng một lúc hai thế lực đối nghịch mà vẫn không có vẻ gì là mâu thuẫn.

Ở nhà hàng Văn Cảnh vào giờ này những bàn quanh sàn không còn một chỗ trống. Ông giáo sư phải gọi điện thoại giữ chỗ từ buổi chiều. Chỉ còn một bàn và năm chỗ được chừa lại. Nhạc và giọng cười nói tạo thành một âm thanh ồn ào. Sự tiếp đãi đối với chúng tôi thật đặc biệt vì số thực khách. Hơn nữa, viên quản lý Davis rất quen, có lẽ hắn chỉ đứng tên chứ thực sự đây là một trong những cơ sở kinh tài của ông Tướng. Khách chơi tới đây dủ hạng người, đủ mọi quốc tịch và tuổi tác. Đó là chỗ của những mưu tính bàn bạc về các áp phe chánh trị, những mưu toan chợ đen về kinh tế. Cách mạng và bán nước đều có thể diễn ra ở đây. Bác sĩ Ross mở đầu câu chuyện. Tuy ngày mai về Mỹ ông tỏ vẻ vẫn quan tâm tới cuộc đập phá của đám sinh viên phát xuất từ trường Y khoa buổi sáng. Cuộc hội thảo khởi đi với một đề tài rất hiền lành: đã đến lúc phải khôi phục vai trò chủ động tất yếu của Việt ngữ trong Đại học. Vấn đề không có gì mới mẻ nhưng nó lại rất hấp dẫn trước đám đông. Những căm phẫn và tự ái đều tự do bộc lộ đầy đủ. Sinh viên gay gắt chỉ trích sự ăn đậu ở nhờ của nền Đại học Việt Nam vào một ngoại ngữ. Đã đến lúc Đại học Việt Nam phải của Việt Nam mà biểu dương tất yếu là tiếng Việt, một niềm rung cảm huyền bí vô địch khiến người Việt Nam vững vàng không bị đồng hóa không bị lung lay. Bác sĩ Milton Ross nói với mọi người:

- Ý các anh ra sao, đúng ông Hoàng Thái Trung là một tay cộng sản, đã có nhiều bằng cớ rõ lắm, nhất là vụ sáng nay.

Số là buổi sáng trong buổi hội thảo, giáo sư Trung được mời lên nói chuyện. Cuộc biểu tình xuống đường bộc phát ngay sau đó, ngoài nội dung chống chánh phủ còn có pha mùi bài Mỹ. Ông Ủy viên Giáo dục cũng nói thêm:

- Cứ xem những bài báo của hắn, tôi thấy không khác luận điệu của sách báo xuất bản ở Hà Nội, nhiều người biết rõ ông Trung đều đồng ý với tôi như vậy.

Tuy là người Mỹ, Ross vẫn nói được tiếng Pháp lưu loát:

- Ngòi bút của ông ấy cũng không đáng sợ nhưng nó có tác dụng ngay khi ném trước một đám đông.

Ông Ủy viên Ngoại giao một đối thủ rất ngán ông Trung, tuy không có thái độ trực tiếp, ông chỉ nói lên một sự kiện:

- Ông Trung có một người anh là cán bộ cộng sản cao cấp ở ngoài Bắc hiện còn sống.

Ross cũng tái xác nhận:

- Có, tôi cũng được nghe nói như vậy trong dư luận giáo sư Đại học Huế, cả ông Tướng nữa.

Ông Ủy viên Giáo dục phụ họa:

- Cứ giả thiết ông Trung là người quốc gia đi, người ta cũng ngạc nhiên khi thấy ông chỉ có một luận điệu bài Mỹ và bôi nhọ chủ nghĩa quốc gia. Cũng với ngòi bút sắc bén và nhiều cay chua đó, người ta đã ngạc nhiên không thấy ông đụng tới cộng sản. Cả những người thân muốn bênh vực ông cũng cạn lẽ ở chỗ đó.

Tôi cười bảo ông Trung là người Thiên chúa giáo. Bác sĩ Ross tỏ vẻ am hiểu nói trong giới công giáo cũng có thái độ phủ nhận và chối bỏ, coi ông Trung như một kẻ ngoại đạo hoặc hơn nữa một kẻ phản giáo. Ross còn nói thêm:

- Chính cái vỏ Thiên chúa giáo bảo vệ cho ông ta đi trên một con đường có an ninh như vậy.

Giữa tôi và ông Trung không hề có một liên minh thân thiết nhưng lên án một người vắng mặt, tôi thấy cần một tiếng nói bào chữa:

- Giới trẻ nhất là sinh viên vẫn coi ông Trung như một phần tử công giáo tiến bộ.

Ông Giáo dục thì vẫn bảo hoàng hơn vua:

- Không có gì bào chữa được cho hành vi ông Trung đã làm lợi cho cộng sản.

Riêng ông Ngoại giao vốn nhiều nham hiểm nên vẫn tươi cười xuống giọng mỉa mai nói với Ross:

- Ông thấy không, đó là một điểm không mạnh của chế độ dân chủ mà người Mỹ các ông đang muốn thực tâm đi tới ở xứ này.

Không bao giờ thẳng thắn buộc tội nhưng bằng một ngôn ngữ ngoại giao, tôi hiểu rằng ông đang hạ ngã ông Trung như người ta đập đầu một con rắn. Giáo sư quay sang bảo tôi là chánh phủ này chắc không thọ và có lẽ ông Ngoại giao sẽ đi làm Đại sứ ở Mỹ. Với phong trào phản chiến của giới trí thức Mỹ đang lên cao, phải cần một nhà ngoại giao hoạt bát như ông. Ông Đại sứ hiện giờ rất được nhưng phải cái hăng hái quá mức, bênh người Mỹ tới độ chúng tôi phải đỏ mặt. Ross đã có nhận định như vậy. Chính bác sĩ Ross đã nói trắng ra với nhiều người là:

- Có một bí quyết đắt khách mà chính các ông không biết là chỉ có thể đi lâu dài với người Mỹ bằng một bề ngoài chống Mỹ. Tôi rất thông cảm với những khó khăn của các ông nên không hề khó chịu trên các tiểu tiết đó.

Những món ăn đặt sẵn được nghi ngút bưng ra. Ross từ chối uống rượu mạnh, một chút bia 33 đủ khiến da mặt bác sĩ đỏ ké. Giọng Ross trở lại khôi hài:

- Hành lý về Mỹ của tôi chỉ là những két bia này, ngoài ra tôi chẳng

còn đem theo gì.

Bàn tay to lớn và lông lá của bác sĩ Ross nâng một ly bia vại, uống một hơi đến cạn. Bọt trắng còn điểm một bên ria mép. Ông Ngoại giao cũng vui vẻ cười đùa:

- Cái gì cũng chỉ là thói quen, tôi thì không chịu được thuốc lá Mỹ, khi đi ra ngoài tôi vẫn phải mang theo cho được ít bao Bastos xanh.

Tôi nghĩ đó là sắc thái Mỹ đầu tiên mà ông Ngoại giao không thích ứng được. Câu chuyện giữa bữa ăn cứ theo một đà bâng quơ như vậy. Tôi hỏi ông Ngoại giao về tin tướng Thuyết có thể bị thay thế. Ông xác định tin đó và bảo đó có thể là bước đầu để Sài Gòn tập trung lại quyền hành. Cái lý do trước đây khiến người ta phải nhờ ông vì cũng là người Trung giòng dõi hoàng tộc và là một Phật tử. Chỉ ông Thuyết mới có gan dẹp đám sinh viên và Phật tử khuynh tả ở ngoài đó. Nhưng đó cũng chỉ là thâm ý muốn dùng tay Phật giáo để loại ông nếu thất bại và trung ương thì cho rằng ông có rất nhiều triển vọng thất bại. Là một võ tướng mà tâm hồn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vai trò của một người hùng, ông Thuyết chấp nhận đề nghị thuyên chuyển ra ngoài đó. Và chánh sách cao nguyên của chánh phủ cũng có những thay đổi lớn sau đó. Đề cập đến đám sinh viên đang gây rối ở Huế, ông Ngoại giao bảo đó là một bọn bất trị, chỉ có cách bắt đi lính hết mới hy vọng êm.

- Ai chứ ông Thuyết thì chưa có gì là không dám.

Ông Giáo dục có vẻ ưu tư về vấn đề này, ông cất giọng nghiêm trang phân tích:

- Tôi cho rằng sau Cách mạng, lực lượng thanh niên sinh viên như một thác nước vỡ bờ, không còn một sức mạnh nào ngăn cản tụi nó. Tất cả sinh hoạt của thanh niên trống rỗng, sẵn máu hăng say lại dễ bị ảnh hưởng, nhất là có cộng sản giật dây xui khiến, theo tôi những rối loạn khó khăn vừa qua là bởi chỗ đó. Hạ ngã ông Diệm, tụi nó tự coi như những công thần cách mạng, nóng nảy và kiêu căng. Muốn ổn định không khí chánh trị phải có cách làm bận rộn tụi nó. Cứ để ý mà coi, biểu tình hội thảo chỉ diễn ra sôi nổi ở những đầu niên học, cuối năm túi bụi học thi các cậu buông xuôi hết. Bổn phận chánh quyền bây giờ là làm bận rộn chúng nó ngay trong những sinh hoạt xã hội học đường. Nhưng trở ngại chính vẫn là thiếu một ngân sách.

Bác sĩ Ross tỏ ra đã am hiểu vấn đề, ông hứng khởi nói:

- Chính tụi nó cũng đang đề cao phong trào đi về nông thôn, chúng ta có thể xử dụng ngay trên chiêu bài đó.

Nhưng ông Giáo dục vẫn một giọng ta thán:

- Với ngân quỹ giáo dục bốn phần trăm tôi không thể làm thế nào hơn.

Bác sĩ Ross trấn an:

- Ông Ủy viên khỏi lo, ngân sách ngoại viện có thể bù vào chỗ đó, điều cốt yếu là sáng kiến phải khởi đầu từ chánh phủ Việt Nam.

Ông Ngoại giao thì vội can gián:

- Những gì mang nhãn hiệu chánh quyền đều có thể gây thành kiến nghi ngờ. Hoạt động thanh niên hay nhất là hình thành ngay trong giới tụi nó. Ít ra trên hình thức cũng phải như vậy.

Bác sĩ Ross còn tỏ ra chu đáo hơn:

- Ông nói phải lắm, vấn đề tâm lý là một trở ngại lớn lao, ngay cả về ngân khoản tôi cũng tìm cách để tới tay tụi họ như sự trợ giúp vô tư của giới tư nhân Mỹ. Cái mà tụi nó vẫn ngại là có một hậu ý chánh trị.

Ông Ngoại giao tỏ vẻ lạc quan:

- Các cậu cứ lớn mồm chửi rủa tham nhũng trong chánh quyền, bây giờ cứ giao vào tay cho bạc triệu thì các lãnh tụ đó sớm muộn rồi cũng lại “brûlé” hết.

Bác sĩ Ross vẫn tỏ vẻ sốt sắng:

- Ông Ủy viên Giáo dục đã có ý kiến khởi đầu thế nào chưa? Ở Sài Gòn, Đà Lạt và cả Huế, tôi cũng quen một số lãnh tụ sinh viên, tôi có thể bảo họ tới giúp ông.

- Công việc còn nhiều chi tiết phải giải quyết, chắc chắn là tôi còn phải gặp bác sĩ nhiều lần.

- Tôi về Mỹ sáu tháng chỉ để nghỉ hè, Ross nói. Nhưng tôi vẫn có thể có mặt bất cứ lúc nào ở bên này. Có cần gì ông Ủy viên cứ cho tôi hay, tôi sẽ cố sức trong phạm vi có thể được của mình.

Ông Giáo dục thì trước sau vẫn còn băn khoăn:

- Ở Sài Gòn có thể, nhưng trở về các Vùng, quyền của tôi rất giới hạn bởi mấy ông Tướng.

- Được mà, ông Ủy viên khỏi lo, tôi rất thân với mấy ông Tướng. Tôi hiểu cái ngại của ông Ủy viên là ở Huế, tôi thì lại cho đó là ở Sài Gòn. Tôi bảo đảm trước với ông sự thành tựu ở ngoài đó.

Những tiếng cười nói ồn ào từ các bàn xung quanh khiến câu chuyện không thể tiếp tục. Đến giờ này những màn Show cũng sắp bắt đầu. Đèn tắt hết giữa những tràng pháo tay cuồng nhiệt. Dưới một chùm sáng, người con gái uyển chuyển bước vào với chiếc áo choàng màu đỏ gắt. Rất chậm, tự nhiên và hiệu quả, mỗi phần thân thể được bóc ra như một ngó sen, đó là vẻ đẹp tuyệt mĩ của một bức tượng, lôi cuốn những cái nhìn đàn ông quấn quýt và nóng bỏng thèm khát. Sự điêu luyện trong từng cử chỉ thôi thúc mạnh mẽ những ý nghĩ ham muốn. Tiếng nhạc giật làm nhịp cho một thân thể khiêu khích trần truồng giữa một vùng đỏ gắt gao như đang bốc cháy. Tiếng dậm chân đập bàn ồn ào của những người lính. Có lẽ họ từ các mặt trận mới trở về, sau những phút chết chóc họ đang được lay tỉnh. Chỉ có đàn bà và những dục vọng xác thịt mới kéo nổi họ trở lại đời sống.

CHƯƠNG MƯỜI BA

Khí hậu Sài Gòn như sẵn sàng cho một cuộc đảo chánh, bởi vậy chánh phủ quyết định giảm mọi nghi lễ trong ngày quốc khánh, cấm chỉ mọi sự đôn quân và các tư lệnh sẽ ở nguyên vùng của mình. Hình như mọi e ngại nhắm vào cá nhân tướng Thuyết ở miền Trung với một số lực lượng xung kích sẵn sàng theo ông. Còn tướng Trị thì mất đi một dịp trình diễn cưỡi voi dẫn đầu đám lính Thượng rực rỡ với y phục cổ truyền và giáo mác tuần hành trên đường phố Sài Gòn. Giữa một không khí sôi bỏng như thế , thảm kịch Dakto nóng bỏng với ngót sáu trăm xác chết hết còn vẻ quan trọng trừ những thành phần có dính dấp liên can tới nó, trong số này phải kể tới tướng Thuyết. Ông nhà văn cố vấn tướng Thuyết vào Sài Gòn gặp tôi. Ông cho biết ông Tướng rất quan tâm tới những diễn tiến mới đây trên cao nguyên, ông tỏ vẻ căm phẫn về những khúc mắc bí ẩn đàng sau tấn thảm kịch. Ông Tướng vẫn đặt cho mình những trách nhiệm với đám người Thượng đã hứa trung thành với ông và dù phải ở xa, ông cũng muốn đích thân nghĩ và săn sóc tới đời sống của họ. Nhà văn nói:

- Ông Tướng có vẻ mến ngòi bút của anh lắm, phải chi anh có thể ra làm một tờ báo ở ngoài đó và quy tụ thêm anh em.

Ông Trung cũng muốn tôi ra Huế gây dựng lại một tờ báo và chắc là chủ đích thì khác xa với tướng Thuyết. Nếu tôi và Như Nguyện chấp nhận ra Huế thì chắc chắn không phải vì hứa hẹn hợp tác với cả hai. Ra đó có ý nghĩa là rửa tay gác kiếm và hy vọng vẽ trở lại. Đột ngột nhà văn hỏi tôi về nhà sư Pháp Viên:

- Anh đã gặp lại ông ta chưa, nếu có thể anh sắp đặt cho tôi một cuộc gặp gỡ tay ba có lẽ tiện hơn. Chắc anh cũng biết tôi vào Sài Gòn chuyến này là với tư cách sứ giả của tướng Thuyết.

Nhà văn cho biết tuy phong trào đấu tranh bị đè bẹp nhưng vẫn còn nhiều sức đối kháng âm ỉ trong quần chúng Phật giáo. Đó là hình ảnh một lớp tro tàn phủ trên chậu than hồng mà tướng Thuyết phải ngồi lên. Ông Tướng sẽ chẳng thể làm được gì nếu không có sự hậu thuẫn đồng tình của nhà sư. Thì ra chuyến đi của nhà văn không ngoài mục đích đem về cho ông Tướng sự ủng hộ tinh thần đó.

- Nhưng ông Tướng sẽ trả lời ra sao về hành động nặng tay với các đệ tử của nhà sư?

Suy ngẫm một lát, nhà văn cất giọng chậm rãi đáp:

- Phải nhận là chuyến này Phật giáo đã quá đà, thế kẹt của ông Tướng là không thể chống lại đường lối của trung ương. Vả lại nếu không có sự nhân nhượng của ông Tướng phong trào tranh đấu đã không thể kéo dài đến như vậy và chắc thầy cũng thừa biết là mọi kế hoạch phản công thực sự là công trình của viên đại tá chỉ huy Tổng cục An ninh, thành phần chánh của lực lượng xung kích đó là đám Cảnh sát Dã chiến.

Tôi hiểu rằng với một người nhiều nguyên tắc như nhà sư Pháp Viên khó mà chấp nhận thỏa hiệp ngay như đó là với tướng Thuyết. Chỉ còn một hy vọng cuối cùng là sau chuyến tranh đấu thất bại, nhà sư sẽ lại mềm dẻo để thích ứng với tình thế. Ở những ngày lả đói cuối cùng , chính ông trở nên sáng suốt và thấy rõ sự kiệt quệ trong quần chúng. Họ vẫn kính trọng ông đồng thời cảm thấy mỏi mệt để tiếp tục dấn thân vào cuộc tranh đấu. Họ chỉ còn đủ sức tới để vái lậy ông như một vị thánh cùng những lời van vỉ cầu nguyện cho ông sống để đừng bỏ rơi họ. Đến nỗi có người cho ông là tàn nhẫn có thể bỏ rơi Phật tử nhưng không bao giờ xa rời mục tiêu cuộc tranh đấu. Một câu hỏi đột ngột của nhà văn khiến ý nghĩ tôi bỗng đứt quãng:

- Anh nghĩ sao mà lại ra Huế làm việc với ông Trung? Đã có nhiều bằng cớ ông Trung liên lạc với cộng sản, bằng chứng hiện nằm trong tay ông Tướng.

Đó chẳng phải là một khám phá mới lạ. Tôi đã từng nghe điều này từ miệng ông Ủy viên Ngoại giao và cả bác sĩ Ross. Tôi vẫn tin tưởng vào mối liên hệ với ông Trung và tự nghĩ không có điều gì phải duyệt xét lại. Vả lại chuyến ra Huế của tôi có mục đích rất khác. Tôi nói:

- Nếu tôi muốn tiếp tục làm báo thì chẳng cần phải lặn lội ra mãi ngoài đó, tôi đã nhận dạy trường Mỹ Thuật và sẽ dùng số thì giờ còn lại để vẽ. Cô bạn gái của tôi ca tụng cảnh Vĩ Dạ không tiếc lời và tôi cũng muốn sống ở đó. Để tìm không khí có thể vẽ trở lại, sự tĩnh lặng đối với tôi là cần thiết.

Nhà văn nhìn tôi bằng con mắt khác lạ, giọng hài hước:

- Vĩ Dạ trầm lặng có rồi đó nhưng sống bên sự nổi tiếng như cô ấy không chắc họa sĩ được yên.

Nguyện tuy ít sống ở Huế nhưng đúng như ông nhà văn nói là cả thành phố biết tai tiếng của nàng. Lần nào cũng vậy, tôi cảm thấy khó chịu khi người nào khác nhắc tới Nguyện và nghĩ rằng dư luận khắc nghiệt đã xích tôi gần lại với nàng. Chừng như đọc được ý nghĩ đó nơi tôi, nhà văn lánh sang một chuyện khác, ông kể cho tôi nghe chuyện giải thưởng văn chương ở ngoài đó:

- Thiện chí chánh quyền đã có rồi đó nhưng lại phải xét tới tài năng của nghệ sĩ. Một triệu bạc bỏ ra không phải để phát cho mớ truyền đơn chống cộng mà chẳng có một giá trị văn chương nào. Theo tôi trước khi nói tới mục đích phải có sự chuyên chở gây được sự chú ý đó là nghệ thuật văn chương.

- Cấp thời đòi hỏi phải có cả hai là điều quá sức của nghệ sĩ.

Như không cảm thấy sự mỉa mai của câu nói , nhà văn vẫn giữ một giọng bày tỏ nghiêm trọng:

- Anh thấy không, bao nhiêu chất liệu để hình thành những tác phẩm lớn. Nó không phải chỉ giới hạn ở Việt Nam mà là cả một bi kịch của tương lai nhân loại. Nhiều lúc tôi hoài nghi tự hỏi phải chăng cũng như vóc dáng người mình thấp nhỏ không đủ sức để xây dựng những công trình lớn.

- Thảm kịch Âu châu chỉ đem lại cho nhân loại những tác phẩm lớn ở các các năm sau thế chiến.

Như tìm được một cớ giải thoát, nhà văn triển khai thêm niềm tin của mình:

- Tôi cũng hy vọng như vậy, phải cần thời gian cho mọi sự kiện lắng xuống. Nhà văn không thể sáng tác trong tình cảnh bị lôi cuốn như hiện tại.

Lần nào cũng vậy, câu chuyện gặp gỡ với nhà văn đều mở ra những chân trời mù tăm bát ngát. Phải nhận là ở tuổi ông, giọng nói như vậy còn mang nhiều vẻ quyến rũ nhất là với lớp người trẻ. Nhà văn mời tôi đi ăn cùng với ông giáo sư nhưng vì đã có hẹn với Nguyện nên tôi phải từ chối. Tôi cũng hứa với ông nếu không trở ngại tôi sẽ thu xếp cuộc gặp gỡ nhà sư Pháp Viên trong hoàn cảnh có thể được của mình.

Rồi bỗng có tin từ ngoài Trung, tướng Thuyết đã mạnh tay với sinh viên và Phật giáo ở Huế, cùng một lúc nhà sư Pháp Viên phải chịu biện pháp bảo vệ của Sài Gòn. Tôi tới gặp nhà sư trong hoàn cảnh đó và thực hiện được cuộc phỏng vấn năm ngàn chữ mà theo ông chủ nhiệm đó là một kỳ công của một ký giả không chuyên nghiệp như tôi. Không giống những phát biểu với đám ký giả ngoại quốc, đây là lần đầu tiên một người kín tiếng như nhà sư chấp nhận một bày tỏ thái độ rõ ràng đối với cộng sản. Ông có vẻ một chiến sĩ cách mạng với những lý lẽ tất thắng trong cuộc tranh đấu của mình. Cuộc chiến đấu sẽ còn dằng dai vì ông cho rằng thiếu coup kết thúc ở Sài Gòn. Điều trông đợi vẫn không xảy ra và sự quá đà của cuộc chống đối đã dẫn tới một chiến trường hoang mang và cả một hậu phương mỏi mệt. Sài Gòn vẫn bình thản ngoài những cuộc biểu tình dắt dây của đàn bà trẻ con, được coi như một trò chơi lớn. Thêm vào đó nội bộ Phật giáo đã có những dấu hiệu tương tranh chia rẽ. Tôi chấp thuận cho Davis được ưu tiên xử dụng bài phỏng vấn. Đó là cách thế duy nhất để những dòng chữ viết ra được xuất hiện một cách nguyên vẹn không bị Thông tin kiểm duyệt và dập xóa tan nát. Davis mời tôi duyệt lại bản dịch trước khi gửi trực tiếp bằng hệ thống viễn ký về Mỹ. Đó là một ngày thứ Sáu, giờ Sài Gòn buổi chiều và bây giờ đang là buổi sáng ở thủ đô Mỹ quốc. Nếu không phải nghề báo thì còn quá sớm để trở dậy bắt tay vào bất cứ một công việc gì. Chúng tôi ngồi hút thuốc lơ đãng ngắm những bức tranh và chờ đợi chiếc máy nuốt nốt cuộn băng gồm những mẩu tin điện phải gửi về trước. Chiếc máy thẫm đen như im ngủ với chấm đèn đỏ hiu hắt. Âm thanh của dòng điện cộng hưởng nghe thoảng xa như những tiếng sóng vỗ vào một bãi biển im gió. Nơi gần cửa sổ, dưới một chụp đèn vàng ấm, người chuyên viên viễn ký đang bấm nốt những giòng chữ cuối cùng của bài phỏng vấn trên một băng giấy nhả quấn quýt xuống mặt nền. Từ một khung kính nhìn xuống, bên kia đường khách sạn Caravelle vẫn sáng trưng rực rỡ, đường Tự Do đã vắng khách ngoại quốc qua lại, có lẽ vì tình trạng bất an của Sài Gòn. Lại có chuông điện thoại reo vang, người ta cho biết tin về diễn biến của một cuộc biểu tình lớn. Tôi lại vội vã xuống đường giữa đám xe cộ dồn chạy hỗn loạn trên khắp các ngả phố. Các nhà hàng đóng kín cửa, khách bộ hành thì nhao nhác. Suốt từ bùng binh tới công trường, hàng chục xe vận tải lớn đầy nhóc lính trang bị đầy đủ vũ khí mũ sắt và áo giáp. Cạnh đó những xe cứu hỏa xịt nước cay, các xe Jeep cảnh sát, cả xe sao trắng của quân cảnh Mỹ. Không khí đe dọa đàn áp ngột ngạt như những ngày tháng Tám. Đám biểu tình không quá một trăm người gồm trẻ con và đàn bà đi chân không, áo quần ướt đẫm, gạch đá và gậy gộc. Một số trang bị các túi ni lông chống hơi cay. Tất cả chẳng biết sợ là gì hăm hăm tiến tới. Tiếng kêu thét vang vang, các biểu ngữ kềnh càng đầy những kêu đòi và ép buộc. Cả một vùng tiếng động rối loạn, ở đó mọi tự do được phóng thả. Các phóng viên và đám người tò mò đông đảo bọc quanh thành một vòng đai kín. Sóng người bắt đầu bị ngăn chặn nơi một ngã tư, cũng ở đó bắt đầu một trận mưa gạch đá tấn công vào đám cảnh sát, tất cả đều bỏ chạy không một phản ứng. Đám đông lại tiến tới, chiến thắng bốc men. Những khẩu hiệu căng gió làm lung lay mấy thân thể không đủ sức đứng vững. Lại có thêm một mục tiêu trước mắt, chiếc xe Jeep sao trắng trơ trọi nằm đó. Đám trẻ nhỏ ùa xúm lại, nhiều cánh tay yếu vẫn đủ sức vật ngã khối sắt, bình xăng bị bắt lửa và bốc cháy. Ngọn lửa rát nóng bốc cao giữa những tròng mắt đỏ và tiếng la hét. Tiếng còi hú hối hả từ xa dẫn tới những chiếc xe đầy ắp lính với đủ khiên, lựu đạn cay và kềnh càng mặt nạ. Những trái cay được tung thả vào đám đông, đào rạt từng khoảng trống. Mấy phóng viên Mỹ ôm máy say ngã lảo đảo. Một đứa trẻ chui lọt qua khe chân đám cảnh sát, vồ ôm một trái khói chưa kịp ném trả đã gục xuống. Đám đông bị lùa rạt vào trong những ngõ hẻm. Vòi rồng xịt nước tung tóe trên chiếc xe vẫn bốc cháy. Trên mặt nhựa trải rộng, chỉ còn những người lính, vài phóng viên mắt xưng cay và ngổn ngang những rác rưởi gạch đá. Lại vọng từ xa tiếng còi hú, đám biểu tình đã lại lưu động tới một nơi khác. Hơn một trăm chiến sĩ nhỏ tuổi đủ tạo cảnh hỗn loạn khắp thành phố. Thêm một khuôn mặt mới của chiến tranh, quá mới với tầm hiểu biết của Davis. Trên khắp các ngả đường nơi có đám biểu tình đi qua, những đống rác lớn vẫn hừng hực bốc cháy và trên không vẫn buốt óc tiếng của những động cơ phản lực bay sát.

Trở về nhà thương với ràn rụa nước mắt, tôi gặp Davis ở đó. Anh bị một viên đá cứa rách trán, hai mắt còn húp đỏ. Davis nhờ tôi mượn điện thoại để cho tin về tòa báo. Rời phòng điện thoại, Davis có vẻ mệt thực sự. Tôi chợt thấy anh không giống các nhà báo ngoại quốc khác: một đám đông đảo mà đa số còn rất trẻ, nóng nảy và hiếu động, họ sống thừa thãi sung túc trong một Sài Gòn không có bóng dáng của chiến tranh. Ở Davis thiếu hẳn cái đặc tính náo nhiệt đó, anh sống rất riêng biệt và trầm tĩnh. Bạn hữu người Mỹ bảo anh trông giống một cây trúc. Qua hai vòng cầu thang, chúng tôi bước vào một căn phòng xinh xắn. Davis buông cả sức nặng xuống nệm, quay sang hỏi tôi giọng thấm đượm buồn rầu:

- Theo anh thì người Mỹ phải làm gì nữa ở đây?

Chưa đợi câu trả lời, Davis nói thêm giọng mệt nản:

- Người Mỹ có thể đổ máu trên cao nguyên trong đồng lầy để đánh bại cộng sản và tạo những chiến thắng nhưng họ đành bó tay chứng kiến thất bại liên tiếp trong các thành phố. Chỉ cần ít đàn bà và đám thiếu niên tay không cũng đủ làm đổ một chánh phủ, làm tê liệt mọi hỏa lực và gây khốn đốn cho cả nước Mỹ.

- Hình như anh chỉ quan tâm tới thắng bại của người Mỹ, với dân chúng ở đây vấn đề không phải vậy. Họ không muốn thấy Việt Nam là bãi chiến trường và chính lúc này họ băn khoăn tự hỏi phải làm gì cho tương lai và sự tồn tại của đất nước.

Vẫn bằng một giọng cay đắng Davis tiếp:

- Với những người lính Mỹ phải sống trong rừng rú, tham dự các trận chiến sinh tử, đã từng bị thương tích, đã chứng kiến tận mắt các đồng đội mình ngã xuống, họ sẽ nghĩ gì khi họ đặt chân về thành phố để bị ném đá, chứng kiến những khẩu hiệu xua đuổi họ về nước.

Câu chuyện khiến tôi mỉm cười, tôi muốn bảo với Davis tuy anh sống ở đây hàng chục năm anh cũng chẳng hiểu gì hơn về người Việt. Tôi nói:

- Có vài người Mỹ căm phẫn bảo chúng tôi là những kẻ vong ơn. Các anh chỉ biết nhìn chống Mỹ là bài Mỹ thế thôi: vấn đề không phải vậy. Đối với người trí thức Việt Nam thì cuộc chiến tranh tại đây tự trong bản thân nó mang tất cả sức nặng của một vấn đề quốc tế, một cuộc phiêu lưu thí nghiệm đầy nguy hiểm và dĩ nhiên không phải bằng hỏa lực mà người ta tìm ra lối thoát. Mối bế tắc chính là cơn mê giáo điều có từ lâu giữa hai phía, đã đến lúc họ phải ý thức được rằng chiến tranh có thể đốt cháy tất cả, kể cả tương lai và mơ ước của cả một dân tộc. Bởi vậy họ phải tìm cách tỉnh dậy và thoát ra. Còn đối với đám đàn bà trẻ em kia, họ mang hình ảnh của tuyệt vọng và kiệt sức sau hai mươi năm. Họ đòi cho bằng được bất cứ cái gì ngoài thảm họa chiến tranh và sự chết chóc. Họ kéo nhau xuống đường tranh đấu la hét bằng tất cả năng-lực-tuyệt-vọng của họ, sức mạnh đó anh phải hiểu là thế nào. Một nhà văn lớn Việt Nam gọi họ là những mảnh bom mảnh đạn vương vãi trong chiến trận, mà đã như vậy thì không có sự vong ân và biết ơn, có phải không anh.

Davis vẫn yên lặng, anh có vẻ thực sự quan tâm tới phức tạp của vấn đề. Tôi nói tiếp:

- Không phải tất cả người Việt đều lên án Mỹ nhưng dấu vết ngoại nhân mỗi ngày một hằn rõ trên dải đất quê hương khiến họ phải đau lòng, với họ một tên Việt cộng ngã xuống là một người Việt Nam đã chết đi. Người ta cố bảo đây là một cuộc xâm lăng nhưng bản chất chính là một cuộc nội chiến. Bởi vậy những người Việt thức tỉnh, vấn đề không phải là chọn lựa mà chính làm sao có được một ngõ thoát.

Davis như bù đầu trước vấn đề rối rắm, anh nhún vai đi về phía cửa sổ:

- Tôi vẫn được coi là một chuyên viên về Việt Nam, thực sự đến lúc này tôi chẳng hiểu ra sao cả.

Cả hai chúng tôi đều thực sự mỏi mệt. Vấn đề gì mở ra cũng không có một tương lai. Khi đi về phía bàn, Davis gọi tôi và có vẻ ngạc nhiên thích thú:

- Anh còn giữ lại được tấm hình này sao, chính do tay tôi chụp từ ba năm trước.

Tôi lắc đầu bảo đây là văn phòng của một người bạn làm việc trong bệnh viện. Hắn là một Phật tử thuần thành hăng hái tham gia phong trào đấu tranh 63 nhưng sau đó hắn trở lại đời sống sinh viên thuần túy và không mấy ưa các thầy tu bây giờ.

Đăm chiêu nhìn bức ảnh, Davis bảo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh chấp nhận chứng kiến một cảnh tự vẫn có sắp đặt như vậy. Tôi bảo hình như có một nhầm lẫn nào đó nơi các nhà báo Tây phương khi gọi các vụ tự thiêu là suicide, hiểu theo triết lý Phật giáo ý nghĩa không phải thế. Davis xuống giọng bảo:

- Tôi cũng được nghe nói như vậy vào đầu năm nay khi cuốn sách của tôi vừa xuất bản tại Mỹ. Tôi cũng nhận được thư của ông Giác Nghiệp, một nhà sư trẻ Việt Nam, môn đệ xuất sắc của thầy Pháp Viên, từng theo học ở Yale. Ông tỏ ý phản đối chữ suicide trong phần tôi mô tả vụ tự thiêu của nhà sư. Theo ông, tự thiêu không phải là tự vẫn, lại càng không phải một thái độ nguyền rủa phản kháng. Tự vẫn là trốn chạy hèn nhát trong khi tự thiêu cần tới một quyết định đương đầu can đảm, hơn nữa theo quan điểm nhà Phật, đời sống không chỉ giới hạn trong sự tồn tại của nhục thể... Thú thật với anh, tôi không thể nào hiểu được và chấp nhận những lý luận vừa mới mẻ và xa lạ đến như vậy. Tôi là người Thiên chúa giáo tuy rất ít đi nhà thờ nhưng tin tưởng một cách sâu xa, với tôi tín ngưỡng là nơi những niềm tin, ở đó không hề có những giải thích của con người về ý muốn Thượng đế.

Davis sống ở Việt Nam nhiều năm, rất được tín nhiệm về các vấn đề Á châu nhưng anh thật sự nổi tiếng vào thời kỳ tranh đấu Phật giáo, cũng giai đoạn đó đem lại cho anh giải Pulitzer về báo chí. Ánh mắt sống trong hồi tưởng, Davis tâm sự với tôi:

- Từ một tháng trước tôi đã nghe đồn kế hoạch tự thiêu của hai nhà sư tranh đấu cho năm nguyện vọng Phật giáo nhưng rồi câu chuyện cũng quên đi. Bỗng nhiên một buổi sáng tôi nhận được một coup điện thoại đặc biệt của nhà sư trẻ Giác Nghiệp, đó là cả một cơ hội vinh dự cho nhà báo và dĩ nhiên tôi nổi tiếng bằng vụ này. Những hình tôi chụp xuất hiện trên kháp báo chương thế giới và gây nhiều xúc động: cũng từ bức hình đó, báo Mỹ xúm lại chỉ trích chánh sách của tổng thống, các quốc gia Phật giáo nổi giận phản đối Hoa Kỳ, còn Trung cộng thì phổ biến khắp Á Phi và Nam Mỹ hàng triệu tấm để tuyên truyền cái mà họ gọi là vụ tự thiêu chống đế quốc Mỹ. Nhưng thú thật với anh là sau phút vinh quang đó đã để lại trên lương tâm tôi nhiều ân hận. Những vụ tự thiêu tiếp theo tôi cũng được báo trước và đều tự ý vắng mặt. Điều đó đã gây ngạc nhiên cho nhiều người nhất là với các đồng nghiệp nhưng ở trường hợp này tôi không có chọn lựa.

Đôi mắt nâu xanh như chìm đắm. Chỉ có giọng nói của Davis và đêm im vắng:

- Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ và xúc động tới rơi lệ: một nhà sư với khuôn mặt thật đạo hạnh, trông ông như một vị Phật sống, không phải ngồi trên tòa sen mà là giữa ngọn lửa hồng vây kín cả thân thể. Khuôn mặt nhà sư khô co lại vì sức nóng nhưng điều kỳ lạ là ông vẫn ngồi yên bất động trong ngọn lửa đỏ, còn mọi người có mặt thì khóc xướt mướt và kêu la kinh hoàng.

Bây giờ vào quá nửa đêm. Sự im lặng thật khác thường, vắng mọi tiếng xe, vắng cả tiếng đại bác. Ngoài phòng chuông điện thoại lại réo vang, bên đầu dây người y sĩ cảnh sát cho biết có một đám biểu tình bất chấp giờ giới nghiêm đang tiến về đài phát thanh và quân đội được lệnh phải đàn áp. Chưa biết những gì sẽ xảy ra cho đêm nay, chúng tôi thấy cần có mặt ở đó. Lại một đêm không ngủ bước sang tuần lễ thứ hai với gạch đá khói lựu đạn cay và đầm đìa nước mắt.

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

Đài BBC loan tin một cuộc đảo chánh thầm lặng không đổ máu vừa diễn ra ở Sài Gòn do tướng Thuyết từ ngoài Trung vào cầm đầu. Ông và mấy tướng trẻ sau đó tới tòa Đại sứ Mỹ để giải thích những lý do mà ông gọi là chỉnh lý cục bộ để gây lại sức mạnh trong quân đội. Sài Gòn mang khuôn mặt bình thường và không còn những cuộc biểu tình bỏ túi của trẻ con được coi như một trò chơi lớn. Và buổi tối trên đài phát thanh quốc gia, tướng Thuyết đã lại lên tiếng bằng bài diễn văn tuyệt hảo nói về hy vọng buổi bình minh của cách mạng đã ló dạng. Nhà văn cũng theo chân tướng Thuyết hấp tấp trở vào Sài Gòn. Khi gặp lại tôi, ông có vẻ thanh minh cho những khó khăn của tướng Thuyết ở ngoài đó lúc phải chọn lựa sự quyết liệt đối với phe tranh đấu. Riêng đối với nhà sư, có lẽ hiểu rằng chỉ có sống mới tiếp tục được cuộc tranh đấu nên nhà sư Pháp Viên vừa chấm dứt cuộc tuyệt thực vô vọng kéo dài ròng rã nhiều ngày. Trở về chùa, ông chỉ còn là một bộ xương với những kinh nghiệm chua sót của một thời kỳ tranh đấu. Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau cách mạng, một chánh phủ đã chiến thắng Phật giáo. Có một điều nữa mà nhà sư Pháp Viên không ngờ tới là sự phân hóa rõ rệt ở trong hàng ngũ ông ở những giờ phút chót và sự thiếu vô tư của tòa Đại sứ Mỹ. Khởi đầu từ những tư tưởng nhờ cậy bắt nguồn từ ngày cách mạng, ông bắt đầu thất vọng về người Mỹ. Từ ngày trở về chùa, ông rút mình vào bóng tối và từ chối mọi tiếp xúc nhất là với đám nhà báo. Còn hàng ngũ tướng lãnh ở cuộc chỉnh lý này, sau chuyến đoàn kết nhất trí hạ ngã những mũi dùi chống đối của Phật giáo, đã lại có dấu hiệu tương tranh rạn nứt.

Buổi sáng có cuộc họp báo của Hội đồng tướng lãnh trong Tổng tham mưu dưới quyền chủ tọa của tướng Thuyết. Nội dung cũng chẳng có gì mới lạ ngoài những điều ông đã lên tiếng trên đài phát thanh hôm qua. Sau buổi ra mắt chính thức của các tướng lãnh, tôi có dịp gặp lại tướng Trị ở đó. Câu nói xã giao đầu tiên của tôi là ngỏ lời chào mừng tin vinh thăng của ông. Tướng Trị cười gượng và không tỏ dấu vui, có lẽ ông hiểu rằng thêm sao cũng là dấu hiệu già nua để các tướng trẻ cho ông về hưu. Ông không còn vẻ kênh kiệu hách dịch như ở cao nguyên mà có thái độ cầu thân với nhà báo. Tướng Trị nhắc tới thiên điều tra Dakto của tôi mà ông bảo đã được đọc vài kỳ nguyên vẹn trên mặt báo:

- Tôi có theo dõi loạt bài đó và cảm tưởng đầu tiên là thấy anh muốn quy trách nhiệm thảm kịch đó về phía chúng tôi. Là một quân nhân trọng danh dự tôi không bao giờ chối bỏ phần trách nhiệm nhưng quả thật chúng tôi đã làm hết sức mình, còn những gì xảy ra sau đó độc lập với ý muốn của chúng tôi.

Tôi phải nói với ông Tướng rằng thiên điều tra thực sự chưa được viết xong và mong muốn của tôi chỉ là đưa ra những sự kiện, còn sự kết hợp và phán xét chắc phải cần tới một cuốn sách. Tôi vẫn hy vọng hoàn thành được cuốn sách đó. Tôi nói:

- Chỉ hiểu được tấn thảm kịch khi nhìn nó trong một khung cảnh rộng lớn là tương lai của dải đất cao nguyên.

Tướng Trị có vẻ không hiểu được câu nói đó nên tôi không đi sâu vào thêm. Do thói quen nghề nghiệp, không bao giờ tôi bỏ lỡ những cơ hội, tôi hỏi Tướng Trị về câu chuyện Vòng Đai Xanh của những người lính LLĐB Mỹ. Ông nói:

- Tôi chỉ nghe nói như vậy và cũng chẳng biết rõ sự thật là thế nào, chánh trị vốn tối tăm và nhiều khi vượt quá cả những dữ kiện nhận định của mình. Theo tôi vai trò của vị tướng lãnh trên cao nguyên hiện tại là chánh trị chứ không phải quân sự mà tôi chỉ là một nhà quân sự thuần túy, bởi vậy tôi cũng đã gởi một điều trần về chánh phủ trung ương.

Tôi hỏi ông Tướng nghĩ sao về sự có thể trở lại của tướng Thuyết hoặc ảnh hưởng trực tiếp của ông ấy ở trung ương, tướng Trị nói:

- Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó nhưng vấp phải nhiều sự phản đối trong đó có tiếng nói người Mỹ. Và nói riêng với anh chớ chánh phủ trung ương cũng không ưa gì tính bướng bỉnh của ông ta. Nhưng có một điều phải công nhận và phục là ông rất cứng rắn rất ngay thẳng, cá nhân tôi vẫn mến thích một chiến hữu như tướng Thuyết.

Tôi nói với tướng Trị ý kiến của ông Mục sư là giới quân sự Mỹ và ngay cả tòa Đại sứ rất tán đồng việc bổ nhiệm ông thay tướng Thuyết và dư luận báo chí Mỹ sau đó cũng bớt chỉ trích chánh phủ Việt Nam.

- Chính cũng vì vậy mà tôi ở vào thế kẹt giữa bao nhiêu phía. Vấn đề vẫn còn đó, xoa dịu được ngày nào và đến bao giờ hầm thuốc súng bùng nổ trở lại, làm sao mà biết. Vì những lý do quyền lợi rất mâu thuẫn cho đến bây giờ cũng chưa có một giải pháp thỏa đáng cho cao nguyên.

Tôi không xác định rõ viên Đại úy hướng dẫn người Bùi Chu hôm trước, nhưng gán cho dư luận bảo rằng chánh phủ Việt Nam đã lầm lẫn khi trao toàn quyền cứu trợ đám người Thượng tỵ nạn vào tay người Mỹ. Tướng Trị không phản ứng dẫy nẩy lên nhưng xuống giọng phân bua:

- Sao tôi lại không biết cái chân lý bọn Thượng chỉ tuân lệnh và tri ân những ai đem thức ăn vào miệng chúng nhưng bọn Mỹ cũng biết điều đó, tụi nó muốn độc quyền tranh thủ nhân tâm bằng cách này. Tướng Thuyết đã không thành công khi đòi cứu trợ phải qua tay nhà cầm quyền Việt Nam; làm như vậy rõ ràng là hiệu năng suy giảm và viện trợ ngày càng thêm khó khăn. Hiện nay giải pháp dung hợp là giao vào tay một vị thừa sai của giáo hội truyền giáo Tin lành, ông bà Mục sư Denman. Là người Mỹ gần như đã Việt Nam hóa, lại thu phục được cảm tình của đám đông người Thượng và như vậy anh cũng thấy là mọi công việc tiến hành rất chu đáo.

Tôi mỉm cười về ý nghĩa Việt Nam hóa của ông Mục sư, ngoài thay đổi về hình thức, lối suy nghĩ thực tiễn của ông vẫn mang nguyên bản chất của người Mỹ. Hình ảnh của một vị thừa sai mắt xanh râu đỏ hùng hồn đúng rao giảng đạo về sự hiện hữu của Chúa cùng với những hy vọng hạnh phúc ở đời sau trước đông đảo đám con chiên phủ phục nghèo đói như kéo tôi lùi lại thời gian của hàng mấy thế kỷ văn minh. Đó là điều nhẫn tâm khi phải nghĩ tới và cũng là môi trường đầy quyến rũ kích thích của những tâm hồn phiêu lưu như Tacelosky và những tên lính Mũ Xanh. Ông Tướng hỏi thăm tôi về tin tức của nhà báo Davis:

- Thật là ngạc nhiên khi tôi gặp một nhà báo Mỹ lễ phép và khiêm

tốn như thế, vụ thảm sát Dakto chắc làm ông ấy buồn không ít.

- Ông ấy đã khóc khi nghe tin ấy, và không hiểu ông tướng mới Casey bên An Khê có thái độ ra sao?

- Ông ấy đề nghị một duyệt xét hỗn hợp về tình trạng an ninh chung nhưng có lẽ vấn đề cũng chẳng đi tới đâu vì ngoài sư đoàn Kỵ binh, ông Tướng này chẳng có chút quyền hành nào trên các trại LLĐB Mỹ. Điều mỉa mai là quyền lãnh sự Mỹ trên cao nguyên không phải là tướng Casey mà là viên cựu trung tá Tacelosky, nó thực dân ngang ngược và chính nó làm hư hỏng những người bạn Mỹ tốt mới đặt chân lên đây. Thực sự nó chỉ ngán có mỗi ông tướng Thuyết.

Xem ra quan niệm về sự cần thiết một người hùng cho cao nguyên là điều không thể tránh được. Nhưng nếu bảo đó là một vai trò chánh trị thì điều đó chưa chắc đã thích hợp với khả năng của tướng Thuyết, trừ khi có sự cố vấn trực tiếp của ông giáo sư hay nhà văn. Có chuông báo họp reo vang, tôi trả cho tướng Trị với những lính quýnh bận rộn của ông và rời bộ Tổng tham mưu. Trên cột cờ vẫn lả lướt kỳ hiệu của tướng Thuyết. Hôm nay khí trời hanh và có rất nhiều mây xám.

Trở lại tòa soạn, được biết Kux vừa từ Huế trở vào muốn được gặp tôi. Kux bị kẹt ở ngoài đó từ nhiều hôm vì những cuộc tranh đấu dắt dây của Phật giáo. Kux có vẻ mỏi mệt rõ rệt vì chuyến đi này. Là một giáo sư Đức thuộc Đại học Berlin, cũng là bạn thân của Davis. Kux đang viết sách A Sense of Asia, nghiên cứu về Phật giáo Á châu và chủ nghĩa cộng sản. Chuyến sang thăm Việt Nam cũng nhằm trong mục tiêu đó. Do lời giới thiệu của Davis lúc đó ở Thái Lan, Kux đến tòa báo tìm tôi và nhờ được hướng dẫn. Phải mất hơn một tuần lễ bận rộn để đưa Kux đi viếng các nơi và các lãnh tụ mấy tôn giáo lớn. Vì bận với tờ báo tôi không thể rời Sài Gòn, Kux phải tự tổ chức những chuyến đi riêng sau đó. Nửa đêm nay Kux sẽ rời Việt Nam đi Tokyo. Buổi chiều ngày cuối cùng, tôi dưa Kux ra ngoài thành phố. Tôi ngỏ ý tiếc là Kux không thể về sống trực tiếp ở thôn quê, chiến tranh chỉ thực sự diễn ra ở đó.

- Những lầm lẫn bom đạn và xác chết, cuộc chiến tranh nào cũng chỉ có vậy thôi, tôi đã có kinh nghiệm đó từ nước Đức.

Tôi hỏi Kux đã nghĩ gì về Phật giáo ở đây nhất là sau chuyến ra thăm Huế, Kux chỉ nói lên một cảm tưởng:

- Tôi nghĩ một số lãnh tụ Phật giáo đã lầm khi đánh giá lực lượng mình bằng hình ảnh một đoàn quân thánh chiến, theo tôi bản chất người Á châu ôn hòa chịu đựng, ít nhiều chịu ảnh hưởng của Lão Tử, họ không thể quá khích như tín đồ Hồi giáo hoặc một vài tôn giáo khác, lịch sử đã chứng tỏ như vậy. Nhưng đúng như họ nghĩ, lực lượng đối đầu với cộng sản không phải chỉ có Thiên chúa giáo mà nguồn gốc là du nhập từ Tây phương. Tôi muốn nói tới một tinh thần đã bắt rễ sâu xa trong đời sống xã hội quần chúng và nó có ảnh hưởng quy định trong cục diện tương lai Á châu. Miền Nam bây giờ không phải chỉ là chiến trường thí nghiệm của hai chủ nghĩa quốc gia và cộng sản đối nghịch, đó cũng chính là thí điểm thử thách để Phật giáo nhận diện sức mạnh của mình: tôi muốn nói tới một đạo Phât dấn thân.

Trên đường đi và tại một vài cơ sở, cảnh sát và quân đội được tăng cường, đó là dư âm cuộc hội thảo biểu tình đập phá đài phát thanh phát xuất từ Tổng hội Sinh viên hồi sáng. Ra khỏi Sài Gòn, chiếc xe lướt rất êm trên mặt xa lộ. Kux chỉ tay hỏi tôi về những công trình đang xây cất. Tôi đáp:

- Đó là kết quả những dự án từ thời Diệm bây giờ mới hoạt động và bắt đầu hình thành. Nếu không nhắc tới những lầm lẫn của chế độ, phải công nhận là tổng thống có một cái nhìn rất xa. Đó là điều không thể tìm thấy ở người lãnh đạo bây giờ.

Kux nói với tôi như một bày tỏ ngạc nhiên:

- Đến bây giờ tôi mới thấy anh là người đầu tiên nhắc tới ông Diệm với một giọng còn giữ nguyên được sự kính trọng như vậy.

- Không, ở những năm cuối cùng chính tôi là người có thái độ chống lại ông ta. Dù bạn hữu hay kẻ thù, kể cả người Mỹ yêu hoặc ghét, tất cả đều phải nghiêng mình trước một số nhân cách của tổng thống. Cách mạng đã phủ nhận tất cả nhưng tôi tin là lịch sử sẽ phán xét công bình hơn ở những năm đầu tiên.

Kux cười hỏi tôi không sợ bị tiếng phản cách mạng sao, tôi vẫn giữ sự điềm tĩnh:

- Ai cũng thấy là chế độ phải đổ, tôi cũng nghĩ rằng cái chết của tổng thống là cần thiết để tránh những rối loạn dắt dây sau đó. Nhưng bây giờ còn quá sớm để kết tội hoặc bào chữa cho những gì mới xảy ra.

Trở về, Kux mời tôi tới khách sạn Caravelle dùng bữa tối. Chúng tôi đều không có thì giờ để tới một hiệu ăn Việt Nam. Đó là một khách sạn tối tân được coi như là bản doanh của đông đảo phóng viên nhà báo tứ xứ. Sự sang trọng cùng tận cũng chỉ đến thế. Một vũ trụ sa hoa và trong suốt. Từ trên cao những chùm sáng màu vàng hư ảo tỏa dịu xuống những tấm thảm và phiến đá bằng marbre. Một khoảng không gian đối nghịch đến lạnh lẽo. Kux bảo:

- Mới đặt chân tới Sài Gòn đem lại cho tôi thật nhiều cảm tưởng, nó mang hình ảnh của nàng công chúa người Nga sau cách mạng vô sản phải lưu lạc sang tận Paris, vẫn cố sống kênh kiệu đài các để che dấu những khốn khó bên trong. Nhưng chắc chắn là đồng đô la Mỹ đã thổi vụt lớn mau chóng cả thành phố, tất cả còn mang dấu hiệu mới mẻ nên chưa kịp có một cá tính.

Ngồi ở một tầng lầu khách sạn thứ mười nhìn xuống, Sài Gòn bị cắt vụn ra từng vùng sáng lốm đốm. Bóng những con tàu buôn mỏi mệt nằm nhả khói chờ chuyến hàng để rời bến. Bầu trời ban đêm vẫn nặng trĩu những giao động âm u. Phía phi trường thỉnh thoảng những trái hỏa châu lại lóe sáng một vùng soi rõ cả những cột khói trắng. Bóng dáng của cuộc chiến tranh chỉ có vậy. Kux hỏi tôi sao trông có vẻ tư lự, cảm tưởng của tôi lúc này thật hỗn độn, tôi nói ý nghĩ đó ra với Kux:

- Tôi muốn nói tới lúc anh phóng tầm mắt ra quá giới hạn chiều cao của những tòa lầu bin-đinh kia thì ở dưới đó không có gì ngoài những chật chội nghèo nàn của những người dân sống đen đủi. Cả bốn ngàn làng xã Việt Nam đều như vậy, tôi muốn nói tới ảnh hưởng của đồng tiền viện trợ Mỹ không tới được xa.

Kux nhếch mép cười từng trải:

- Viện trợ Mỹ lúc nào mà chẳng vậy, có bao giờ tới được xa đâu.

Qua những mảng kính trong suốt, ở một chòm cây ánh đèn chuyển mặt lá thành màu hồng đỏ. Tôi tưởng tượng ở dưới những gốc cây giờ này các cô gái ăn sương đang chờ đón khách. Lại từ phía Tân Sơn Nhất những chiếc Phantom phản lực vừa cất cánh, đảo một vòng lớn qua Sài Gòn trước khi đổi hướng, ném lại sau các đốm lửa là những âm thanh sé rít. Những tiếng nổ phụ làm rung chuyển cả cửa kính. Rồi sự im lặng trở lại. Bằng một giọng đột ngột Kux bảo:

- Trưa nay từ phi trường trở về tôi có tới một phòng tắm hơi, nhà Bảo An thì phải, phòng tắm lịch sự và hay nhất đó không phải là một ổ điếm trá hình. Hơi nước nóng phả mù mịt trắng xóa, nghe tiếng nói tôi biết trong phòng chỉ toàn đàn ông đa số là Mỹ. Tất cả đều trần truồng nhưng khói nước bốc dầy đặc khiến đứng xa chưa đầy nửa thước mà chẳng còn thấy gì. Ngay lúc đó dáng một người Mỹ cao lớn dừng lại trước tôi hỏi. - Anh qua đây lâu chưa, ở state nào? Tôi nói tôi không phải người Mỹ mà là nhà báo Đức. Hắn bảo: - Ông mới thật là người sung sướng, chẳng có gì phải ràng buộc ở đây. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Sao vậy? Hắn vẫn trà mạnh chiếc khăn bông trên người trả lời hờ hững: - Tại tôi là pilot, suốt ngày chở bom đi thả khắp nơi, kể cả ngoài Bắc. Giọng anh ta thật chán nản và khinh bạc, chỉ nói vậy rồi hắn ta bỏ đi, lẫn vào đám lố nhố những người Mỹ khác.

Một chuyện kể thật trống không, sự ngưng đọng như lắng xuống. Vẫn bằng giọng khi nãy Kux tiếp:

- Tôi và cả hắn ta đều không rõ mặt nhau, ra đường nếu gặp lại chắc cũng không biết. Cuộc giáp mặt cũng lạ và khiến tôi suy nghĩ. Đến lúc này tôi tự hỏi cũng vẫn những người phi công Mỹ đó, mỗi ngày chở bom đi thả khắp nơi, chiến đấu với không một tin tưởng như vậy, khi phải lái phi cơ ra Bắc oanh kích và khi bị bắn rơi, họ sẽ nghĩ ra sao? Lúc đó liệu tổng thống Johnson hay chúa Kitô trách nhiệm về cái chết của họ?

Phải chi Kux có kinh nghiệm với những người lính Mũ Xanh. Dưới mắt anh thì những người Mỹ đang rầu rĩ đi vào cuộc chiến tranh Việt Nam với nhiều vẻ bơ vơ ngơ ngác. Lại có điện thoại của Nguyện chờ tôi ở tòa báo với hai người bạn nữa. Chúng tôi ra thang máy xuống lầu năm trở lại phòng Kux. Tôi giã từ Kux ở đó và ân hận vì không thể tiễn đưa Kux như đã hứa dù chỉ là đến một trạm Pan Am gần đó.